Sự phát triển của Internet đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng và chiến lược marketing của các doanh nghiệp. Cuộc chiến thu hút sự quan tâm của khách hàng ngày càng khốc liệt. Các thương hiệu cần xuất hiện nhiều và chất lượng hơn trên nền tảng trực tuyến. Chính vì vậy, cộng đồng trực tuyến trở thành mảnh đất màu mỡ trong kỷ nguyên số.
I. Cộng đồng trực tuyến là gì?
Cộng đồng trực tuyến là tập hợp những cá nhân mong muốn phát triển mối quan hệ trực tuyến. Họ đạt được điều này bằng cách chia sẻ với nhau một giá trị chung, một mối quan tâm chung.
Một cộng đồng trực tuyến thành công có khả năng kết nối những cá nhân trong nhóm, khiến họ cảm thấy bản thân là một phần của những giá trị đặc biệt mà nhóm đó sở hữu.
II. Tại sao nên xây dựng cộng đồng trực tuyến?
Do hành vi của người tiêu dùng
Người tiêu dùng hiện đại có nhu cầu rất lớn về việc “thuộc về một nhóm”. Họ không đơn giản chỉ muốn mua các sản phẩm từ doanh nghiệp. Mong mỏi lớn lao hơn của họ là cảm giác được trở thành một phần của cộng đồng. Thực tế cho thấy đa số người trẻ tham gia ít nhất một cộng đồng trên một nền tảng mạng xã hội.
Do nhu cầu của doanh nghiệp về dữ liệu người tiêu dùng
Một nghiên cứu của GREENBOOK năm 2015 cho thấy: các cộng đồng trực tuyến là một trong hai phương pháp thu thập dữ liệu người dùng được các doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất và có xu hướng ngày càng tăng lên. Thông qua kênh này, các thương hiệu dễ dàng nắm bắt thông tin về nhu cầu, ý kiến, những lo ngại hay sở thích,… của người tiêu dùng hơn. Đây cũng là nguồn cung ý tưởng dồi dào cho việc cải tiến sản phẩm hay dịch vụ cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Các cộng đồng trực tuyến giúp doanh nghiệp hiệu quả chi phí và tăng doanh số
Marketing truyền miệng đã được chứng minh là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp mang về những khách hàng chất lượng cho thương hiệu. Và chắc chắn, các cộng đồng trực tuyến là công cụ điển hình cho hình thức marketing này. Với sự chia sẻ và lan truyền của những cá nhân trong cộng đồng, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn cho hoạt động marketing cũng như thu thập ý kiến người dùng.
Doanh nghiệp cần xây dựng một mối quan hệ bền vững
Những quảng cáo trả phí hay những chiến dịch marketing ngắn hạn chỉ giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng với đối tượng mục tiêu trong một khoảng thời gian ngắn. Việc tham gia một cộng đồng trực tuyến với những chia sẻ đều đặn hàng ngày mới là yếu tố giúp người tiêu dùng tăng tương tác. Điều này giúp họ gắn kết với doanh nghiệp, xây dựng lòng trung thành và tình yêu thương hiệu.
III. Những doanh nghiệp nào cần xây dựng cộng đồng trực tuyến?
Dù sở hữu nhiều lợi ích khổng lồ nhưng việc xây dựng cộng đồng trực tuyến không phải là giải pháp dành cho mọi doanh nghiệp bởi sự phức tạp trong chiến lược và việc quản lý. Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp chỉ cần những người theo dõi thay vì một cộng đồng chia sẻ.
Cộng đồng trực tuyến chỉ thực sự cần thiết với một số doanh nghiệp. Đặc trưng là doanh nghiệp có sản phẩm/dịch vụ mang tính cộng đồng, sáng tạo hay cần nhiều sự tham gia của người tiêu dùng. Microsoft, Lego hay Duolingo là những ví dụ tiêu biểu cho kiểu doanh nghiệp này.
Cộng đồng trực tuyến cũng có thể khai thác những đặc điểm nổi bật của khách hàng mục tiêu. Girlspace của Kotex Việt Nam là cộng đồng dành cho các bạn gái chia sẻ những thắc mắc, tâm tư tuổi dậy thì. Những cộng đồng dạng này tập trung khai thác những giá trị tinh thần của đối tượng mục tiêu thay vì chia sẻ về chính sản phẩm.
Xem thêm: Chiến lược tối ưu chuyển đổi Digital Marketing dựa trên 4 mô hình tiếp xúc
IV. Các loại cộng đồng trực tuyến
Có thể phân loại các cộng đồng trực tuyến theo nhiều tiêu chí khác nhau:
Theo “điểm chia sẻ chung” của cộng đồng trực tuyến:
- Cộng đồng giao dịch. Những cộng đồng này nhấn mạnh vào việc mua bán, trao đổi hàng hóa thông qua nền tảng trực tuyến.
- Cộng đồng về mối quan tâm chung. Đây là loại cộng đồng phổ biến nhất. Mục đích chính là chia sẻ những mối quan tâm, sở thích chung của các thành viên.
- Cộng đồng các mối quan hệ. Các cộng đồng này cho phép thành viên chia sẻ các thông tin cá nhân và kết nối với những người phù hợp.
Theo chức năng của cộng đồng trực tuyến đối với doanh nghiệp:
- Cộng đồng mạng xã hội. Những cộng đồng này thường được xây dựng trên các mạng xã hội phổ biến. Mục đích chính là phát triển mối quan hệ giữa doanh nghiệp và những người quan tâm đến thương hiệu.
- Cộng đồng hỗ trợ. Doanh nghiệp tạo nên cộng đồng này với mục đích hỗ trợ người dùng sử dụng sản phẩm/dịch vụ và tiếp nhận những đề xuất của người dùng để cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
- Cộng đồng ủng hộ. Mục đích chính của loại cộng đồng này là vận động sự ủng hộ của mọi người cho một vấn đề cụ thể, thường là để đóng góp cho doanh nghiệp và xã hội.
- Cộng đồng Insight. Loại cộng đồng này giúp doanh nghiệp ghi nhận những phản hồi của người dùng và những vấn đề xung quanh. Từ đó hỗ trợ thương hiệu thấu hiểu được khách hàng và đưa ra những insight đắt giá.
V. Xây dựng một cộng đồng trực tuyến
Xây dựng một cộng đồng trên nền tảng trực tuyến đòi hỏi chiến lược lâu dài và rất nhiều nỗ lực. Một quy trình phát triển cộng đồng trực tuyến cơ bản gồm 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn “thai nghén”:
Đây là giai đoạn ấp ủ ý tưởng về một cộng đồng. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần xác định mục đích, nguồn lực và đối tượng mục tiêu của cộng đồng.
2. Giai đoạn phát triển:
Với giai đoạn này, doanh nghiệp thực hiện các công việc phát triển. Cụ thể hơn là phác thảo chi tiết ý tưởng, tối ưu nền tảng mà cộng đồng được xây dựng và chính thức khởi động cộng đồng.
3. Giai đoạn quản trị:
Trên thực tế, việc quản trị được thực hiện xuyên suốt các giai đoạn. Tuy nhiên sau khi cộng đồng phát triển, việc quản trị trở thành công việc quan trọng nhất.
Các cộng đồng trực tuyến ra đời và phát triển cho mục đích thắt chặt mối quan hệ với người tiêu dùng. Bằng cách lắng nghe và đối thoại nhiều hơn giữa thương hiệu và khách hàng, các cộng đồng này đã thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Xem thêm các bài viết khác về kiến thức Marketing: Tại đây
Theo dõi các bài viết khác trên Fanpage GIGAN
Liên hệ chuyên gia để được tư vấn miễn phí TẠI ĐÂY
Đăng ký dịch vụ Performance Marketing: TẠI ĐÂY